Phụ huynh sẽ không
ngại đóng góp tiền để đầu tư trang thiết bị hiện đại nếu họ hiểu và thấy
được hiệu quả của nó với việc học tập của con em.
Thời gian qua, khi TP.HCM có chủ trương xã hội hóa để đưa bảng tương tác vào giảng dạy ở khối mầm non và tiểu học đã có nhiều luồng ý kiến
trái chiều. Trong số báo ngày 13/11, báo Pháp Luật TP.HCM cũng đã thông
tin nhiều trường đến nay vẫn còn loay hoay chưa sử dụng được thiết bị
này, phụ huynh thì băn khoăn vì không biết hiệu quả của loại bảng này ra
sao. Ý kiến của bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn
Bỉnh Khiêm, quận 1, đề nghị: TP hỗ trợ 100% kinh phí để đưa vào sử dụng
nửa số bảng tương tác theo kế hoạch để các trường, phụ huynh tiếp cận
trước đã được nhiều người đồng thuận.
Thấy hiệu quả, phụ huynh mới đầu tư
Năm học này, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Tân Bình nhận mua
về hai bộ bảng tương tác để sử dụng. Dù trường nằm ở địa bàn có con em
đi học không thuộc diện khá giả nhưng phụ huynh rất đồng tình đóng góp
tiền để mua, mỗi tháng 10.000 đồng/học sinh (HS).
Ông Ngô Đình Ân, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay ngay từ đầu, phụ
huynh và nhà trường chưa hiểu lắm về công nghệ hiện đại này nên mất
nhiều thời gian để phụ huynh hiểu. Không phản đối nhưng họ ngại trường
chạy theo phong trào, mua máy về sử dụng vài bữa rồi trùm mền sẽ rất
lãng phí. Nếu ngay từ đầu trường có được một bộ bảng này để trình chiếu
cho phụ huynh xem, dạy thử cho HS thì quá tốt vì ai cũng có thời gian để
tiếp cận và nắm bắt, sau đó phụ huynh đóng tiền mua sẽ dễ dàng hơn.
ứng dụng bảng tương tác, sử dụng trong học viện Cảnh Sát |
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Gò Vấp cũng cho hay: “Ăn thua là ở
cách thực hiện của nhà trường. Bản thân nhà trường phải hiểu, giải
thích tường tận về lợi ích của máy, tiền nong… thì phụ huynh sẽ vui vẻ
đóng góp và chia sẻ với nhà trường. Nhà trường phải làm sao để phụ huynh
thấy công bằng, nhà trường đang đồng hành cùng chứ không phải chỉ biết
thu tiền là xong”.
Cần có thời gian để tiếp cận
Đồng tình ý kiến này, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm
non Hoa Mai, quận 3, cho rằng quan trọng là công ty phải tập huấn cho
giáo viên để giáo viên sử dụng hết công năng của bảng tương tác. Đồng
thời, công ty nên truyền thông cho phụ huynh biết rõ mục đích của bảng
tương tác trước khi đòi hỏi họ đóng tiền để con cái được học với bảng
tương tác. Khi thấy rõ hiệu quả của bảng tương tác, họ sẽ sẵn sàng đầu
tư cho con.
Ngay như Trường Tiểu học Phạm Ngọc Thạch, quận Phú Nhuận từ tháng 9
triển khai nhận hai bảng tương tác theo chủ trương từ Phòng GD&ĐT,
trường đã bị phản ứng vì một số phụ huynh cho rằng “trường bày vẽ để thu
tiền”.
Bà Trương Thị Thanh Mỹ, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường phải
vất vả giải thích, thậm chí sau đó rút lại còn một máy để xoa dịu tâm lý
phụ huynh nhưng giờ lại quyết định mua hai bộ. “Cấp trên trách vì
trường giải thích không rõ ràng cho phụ huynh nhưng thực ra giáo viên có
biết mặt mũi cái bảng đó đâu mà nói cho rõ. Ngay như bây giờ có máy rồi
mà cũng chưa biết xài, nói gì chưa có. Nếu kế hoạch triển khai sớm hơn,
có bảng để xài thử một thời gian thì quá tốt. Như thế trường mới có
khoảng lùi để tính đến việc lắp đặt, tập huấn. HS được học thử, thấy hay
về khoe ba mẹ là họ đồng ý ngay” - bà Mỹ nói.
Cách làm đã hợp lý hay chưa?
Trước hết, cần khẳng định rằng chủ trương đưa bảng tương tác thông
minh vào hỗ trợ học tập và giảng dạy tại các trường mầm non, tiểu học
của TP theo tôi là cần thiết. Việc ứng dụng thành quả của công nghệ
thông tin vào giảng dạy rõ ràng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho giáo viên trong
giờ dạy cũng như giúp các thầy cô nâng cao tay nghề, thêm phần hiểu
biết. Với các em HS, thay vì học chay hoặc học với đồ dùng dạy học ít ỏi
như hiện nay thì một tiết học trực quan sinh động, thú vị với bảng
tương tác có nhiều hình ảnh, màu sắc, âm thanh sẽ trở nên cuốn hút và lý
thú hơn nhiều.
Theo dõi việc thực hiện chủ trương này ngay từ đầu, tôi thấy việc
nên hay không nên trang bị bảng trong các trường học đã có nhiều ý kiến
trái chiều, trong đó phần đông (chủ yếu là phụ huynh) tỏ ra chưa đồng
tình khiến việc triển khai tại các trường còn gặp nhiều khó khăn.
Vậy tại sao chủ trương đúng, mang lại hiệu quả như vậy lại chưa
nhận được sự ủng hộ? Theo tôi là do cách làm chưa hợp lý. Nếu trường chỉ
thông báo khơi khơi với phụ huynh rằng sẽ trang bị bảng cho trường, nó
có tác dụng ABC, giá của nó là XYZ, mỗi tháng phụ huynh phải đóng chừng
này, chừng này tiền... Trong khi phụ huynh chưa được nhìn tận mắt (chưa
nói sờ tận tay) cái bảng rồi xem nó hoạt động như thế nào thì rõ ràng
chẳng ai sẵn sàng góp tiền cả. Sao không “trực quan sinh động” với các
phụ huynh trước khi kêu gọi góp tiền?
Cạnh đó, việc tập huấn đồng bộ, bài bản cho giáo viên cũng rất cần
thiết. Tránh để tình trạng như hiện nay là một số trường có bảng mà
giáo viên chưa biết sử dụng. Điều này ngành giáo dục phải rút kinh nghiệm để triển khai tốt hơn.
Ông Nguyễn Hồng Hà,
Phó ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM
Phó ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM
Bảng tương tác có nhiều phần mềm phong phú
Tôi nhận thấy bảng tương tác có các hiệu quả nhất định: Giáo viên
và HS được tiếp cận với thiết bị hiện đại; bảng tương tác có nhiều phần
mềm rất phong phú, tiện ích, phục vụ tốt cho việc dạy học các môn như
Tiếng Anh, Toán, Tiếng Việt, Lịch sử, Địa lý...
Ví dụ: Về tiết dạy Môi trường sống của các loài vật, bảng tương
tác cho phép thiết kế các hình ảnh của các con vật: con cá, con chim,
con gà… và hình ảnh nơi ở của chúng: sông suối, rừng cây, chuồng gà… Khi
HS thực hành, HS sẽ chạm tay vào từng con vật và di chuyển con vật đó
vào đúng “nhà” của chúng. Tùy thiết kế của giáo viên, nếu HS chọn đúng,
những con vật sẽ ngoan ngoãn nằm yên trong “nhà”, nếu không chúng sẽ
không chịu vào “nhà” kèm theo vài tiếng động cảnh báo…
Nhưng quan trọng nhất vẫn là sự đầu tư của người thầy. Cho dù
thiết bị dạy học có hiện đại đến đâu đi nữa nhưng thiếu sự đầu tư của
người thầy thì hiệu quả giáo dục cũng sẽ không đạt được như mong muốn.
Bà Lê Thị Ngọc Điệp,
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét