Thứ Hai, 13 tháng 3, 2017

Tối ưu hoá việc sử dụng bảng tương tác trong dạy-học ngoại ngữ

1. Bảng tương tác thông minh - thiết bị giảng dạy phổ biến tại các nước phát triển
Bảng tương tác (Interactive Whiteboard - IWB) có mặt trên thị trường khoảng đầu những năm 1990 nhưng gần một thập kỷ nay, với việc ứng dụng ngày càng nhiều công nghệ thông tin vào quá trình giảng dạy, bảng tương tác mới trở nên phổ biến trên thế giới, chủ yếu ở châu Âu và châu Mỹ.
Theo báo cáo khảo sát hàng năm của BESA (British Educational Suppliers Association, 2009) về việc trang bị và ứng dụng công nghệ thông tin tại các trường học ở Vương quốc Anh, nếu như vào năm 2005, chỉ có 25% các trường tiểu học và 18% các trường trung học được trang bị bảng tương tác thì đến năm 2009, số trường học có bảng tương tác đã tăng lên, lần lượt là 77% và 57%. Và tính đến đầu năm 2013, có gần 200.000 bảng tương tác tại các trường học trên toàn nước Anh và gần như 100% các cơ sở đào tạo đều có bảng tương tác (CNDP, 2008).
Tại Việt Nam, số lượng các trường trang bị bảng tương tác còn rất hạn chế do chi phí cao (giao động từ 1.000 đến 10.000 đôla), chủ yếu là một vài trường tiểu học có tiếng và các trung tâm ngoại ngữ lớn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ở bậc đại học, số lượng bảng tương tác cũng rất ít và chưa có thống kê chính thức của Bộ giáo dục về vấn đề này.
2. Bảng tương tác thông minh - công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc dạy học ngoại ngữ
Bảng tương tác hiện là công cụ đắc lực trợ giúp cho quá trình dạy-học ngoại ngữ tại trường học. Với bảng tương tác, giáo viên có thể cùng lúc kết hợp cùng lúc nhiều phương tiện giảng dạy: bảng trắng, máy chiếu, hệ thống loa, các tài liệu dưới dạng văn bản, âm thanh, hình ảnh, video. Giáo viên cũng có thể tương tác trực tiếp với các nội dung chiếu trên màn hình (di chuyển, copy, xóa bỏ, thêm thông tin, lưu trữ, in...). Chức năng này rất quan trọng, cho phép người dùng sử dụng linh hoạt các tài liệu multimedia trong việc giảng dạy ngoại ngữ. Ngoài ra, nội dung dạy-học sẽ được hiển thị trên màn hình lớn, góp phần làm tăng sự hứng thú trong lớp cho sinh viên. Ngoài việc quan sát và tiếp thu các kiến thức được truyền đạt trên bảng, sinh viên còn có thể trực tiếp tham gia sử dụng bảng tương tác. Kết thúc buổi học, giáo viên có thể ghi lại toàn bộ quá trình giảng dạy trên lớp, thông qua chức năng camera hoặc ghi lại màn hình. Như vậy, sinh viên có thể dành nhiều thời gian hơn để tham gia vào các cuộc thảo luận và làm bài tập trên lớp mà không phải chú ý vừa nghe giáo viên, vừa ghi chép lại nội dung bài giảng trên bảng. Các nội dung này có thể được xuất ra dưới định dạng powerpoint, pdf, file ảnh hay trang web, gửi qua mail hay tải lên các diễn đàn làm tài liệu tham khảo.
Bảng tương tác có thể được sử dụng ở các cấp độ khác nhau. Ở trình độ cơ bản, người dùng - giáo viên hoặc sinh viên - có thể sử dụng các chức năng cơ bản nêu trên của bảng tương tác. Giáo viên cũng có thể dùng đĩa DVD hoặc giáo trình điện tử soạn cho bảng tương tác. Ở trình độ nâng cao, giáo viên có thể tự soạn các bài giảng phù hợp với từng kỹ năng nghe, nói, đọc, viết dựa trên phần mềm đi kèm bảng tương tác.
Bảng tương tác với nhiều ứng dụng hiện đại đặt ra một số thách thức cho người sử dụng. Để khai thác hiệu quả thiết bị này, người dùng cần có những kiến thức tin học nhất định để sử dụng các chức năng cơ bản của bảng. Đôi khi một vài sự cố kỹ thuật hoặc đơn giản là cách viết bút trên bảng tương tác, cách kết nối và định vị lại bảng nếu di chuyển bảng thường xuyên cũng có thể làm giáo viên cảm thấy lo lắng. Ở trình độ nâng cao, giáo viên cần cập nhật kiến thức về cách sử dụng phần mềm tương ứng với bảng tương tác để soạn những bài giảng thiết kế riêng theo ý mình. Dù các kiến thức này không phức tạp nhưng đòi hỏi người dùng phải thao tác thường xuyên để nhớ được hết các tính năng chính của phần mềm.
Có thể nhận thấy việc sử dụng hiệu quả bảng tương tác gắn liền với việc nâng cao trình độ ICT của giáo viên và cả sinh viên. Theo nghiên cứu của CNDP (CNDP, 2010), yếu tố cơ bản để sử dụng hiệu quả bảng tương tác chính là việc tập huấn người dùng về các kiến thức và kỹ năng sử dụng bảng tương tác, khuyến khích họ tăng cường sử dụng công cụ này trong các hoạt động sư phạm và sự linh hoạt của giáo viên trong việc sử dụng bảng tương tác với học viên. Kết quả chỉ có thể đạt được sau một thời gian dài thử nghiệm, có thể tới vài năm.
Ở Trường Đại học Hà Nội, việc tập huấn sử dụng bảng tương tác trong giảng dạy ngoại ngữ tại một vài khoa đã được tổ chức vào tháng 3 và tháng 9/2013. Tuy nhiên, sau một năm tập huấn, việc ứng dụng thiết bị này vào hoạt động giảng dạy hàng ngày còn khá hạn chế. Để nắm rõ tình hình sử dụng, mong muốn của các giáo viên và đưa ra một số biện pháp thúc đẩy việc ứng dụng bảng tương tác, chúng tôi đã tiến hành thăm dò ý kiến đối với 21 giáo viên Khoa tiếng Pháp và Khoa tiếng Anh, những cán bộ đã tham gia hội thảo cấp trường về ứng dụng công nghệ trong giảng dạy ngoại ngữ, có nghe giới thiệu về bảng tương tác và phần lớn trong số họ đều đã tham dự ít nhất một buổi tập huấn về cách sử dụng bảng tương tác.
Thông thường, khi ứng dụng một công nghệ mới vào trường học, trở ngại đầu tiên được nhắc tới là trình độ ICT của các giáo viên. Tuy nhiên, kết quả thăm dò ý kiến cho thấy, ngay cả khi trình độ tin học của người dùng không phải là trở ngại (như trong trường hợp 21 giáo viên tham gia khảo sát lần này) thì còn rất nhiều lý do khách quan và chủ quan ảnh hưởng tới quyết định sử dụng công nghệ trong giảng dạy của các giáo viên.
Cụ thể là, 95% giáo viên tham gia khảo sát ý kiến cho biết sử dụng máy tính và Internet hàng ngày với thời lượng trung bình hơn 1h/ngày. Hơn thế, ½ trong số họ sử dụng Internet hơn 3h/ngày và như vậy, việc sử dụng máy tính cho các nhu cầu cơ bản như cập nhật tin tức, giải trí, học tập, làm việc không phải là khó khăn với các giáo viên này. Ngoài ra, ¾ trong số đó là các giáo viên trẻ từ 20-39 tuổi, độ tuổi vẫn rất cởi mở để tiếp thu những kiến thức mới về công nghệ.
100% các giáo viên được hỏi đều đồng ý với nhận định ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy ngoại ngữ là rất cần thiết hoặc có thể giúp cải thiện chất lượng giảng dạy. Tuy nhiên, hơn một nửa trong số họ lại chỉ thỉnh thoảng sử dụng Internet trên lớp dù nhà trường có phủ sóng wifi ở tất cả các khu vực giảng dạy. (Một số ý kiến cho biết việc kết nối mạng không dây trong lớp học không ổn định dẫn đến việc ngần ngại khi sử dụng các công nghệ có liên quan tới Internet vào bài giảng). Khi được hỏi về bảng tương tác, khoảng 14% các giáo viên cho rằng việc dùng bảng tương tác trong giảng dạy đại học là không cần thiết vì nó phù hợp với các cấp tiểu học hơn và hơn nữa cần cân nhắc tương quan giữa yếu tố giá thành và hiệu quả sử dụng để tránh đầu tư lãng phí. Đối với 86% các giáo viên còn lại, họ đồng ý với nhận định bảng tương tác có thể giúp cải thiện chất lượng giảng dạy và hơn một nửa trong số họ đã tham gia ít nhất 2 buổi tập huấn. Tuy nhiên, kết quả đáng ngạc nhiên nhất là 20/21 giáo viên được hỏi cho biết không hề sử dụng bảng tương tác trong giảng dạy sau khi đã tập huấn. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Khi phân loại các nguyên nhân, 38% giáo viên được hỏi ý kiến cho rằng trở ngại lớn nhất đối với họ là không có bảng để sử dụng và 29% cho rằng trở ngại lớn nhất là thiếu kỹ năng để thao tác với bảng tương tác trên lớp.
Trở ngại tiếp theo được hơn một nửa các giáo viên lựa chọn (52%) là thiếu kỹ năng để chuẩn bị bài giảng tương tác ở nhà.
Tiếp đến là thiếu thời gian chuẩn bị bài ở nhà(33%).
Các giáo viên cũng bày tỏ nguyện vọng được tập huấn thêm về cách thiết kế bài giảng và hướng dẫn thực hành soạn bài trên các nội dung và loại bài tập cụ thể. Điều đáng mừng là 76% trong số họ khẳng định sẽ sử dụng hoặc cân nhắc sử dụng nếu có người hỗ trợ.
Như vậy, dựa trên kết quả thăm dò ý kiến tại Trường Đại học Hà Nội và kết hợp với các giải pháp được giáo viên gợi ý trong phiếu điều tra, chúng tôi xin đưa ra một số đề xuất để tối ưu hoá việc sử dụng bảng tương tác ở đại học như sau:
Từ phía nhà trường:
· trang bị thêm bảng tương tác và máy tính riêng đã cài đặt sẵn phần mềm tương ứng cho các đơn vị có nhu cầu sử dụng;
· đội ngũ kỹ thuật phải được tập huấn bảo dưỡng, duy trì bảng tương tác và hỗ trợ kỹ thuật kịp thời cho giáo viên;
· nếu có thể, trong thời gian đầu, nhà trường có những chính sách rõ ràng để động viên giáo viên ứng dụng công nghệ nói chung và bảng tương tác nói riêng trong giảng dạy;
· tổ chức thêm buổi tập huấn về cách thiết kế và soạn bài với các loại hình bài tập cụ thể cho giáo viên; thời gian tập huấn kéo dài hơn và có thời gian thực tập cho giáo viên;
Từ phía đơn vị khoa:
· gắn liền các hoạt động soạn bài trên bảng tương tác với chương trình thực hành tiếng tại đơn vị;
· mua một số giáo trình thực hành tiếng soạn sẵn có thể dùng cho bảng tương tác;
· tổ chức các buổi soạn bài chung hoặc các buổi chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi các tài liệu đã soạn giữa các giáo viên;
· khuyến khích giáo viên lập nhóm để soạn ra các dạng bài tập tương tác theo chủ đề từng học kỳ và coi đây như hoạt động nghiên cứu khoa học thường kỳ;
· phân công 1-2 giáo viên có kinh nghiệm và tích cực sử dụng BTT để làm người tư vấn và hỗ trợ các giáo viên khác trong đơn vị.
Kết luận
Bảng tương tác thông minh được tích hợp nhiều tính năng ưu việt để hỗ trợ giáo viên và học viên. Chính vì vậy, thiết bị này đang ngày càng phổ biến tại các trường học ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, bản thân công cụ này không mang lại sự đột phá trong phương pháp giảng dạy mà chỉ đem lại hiệu quả cao khi giáo viên biết cách khai thác các tính năng đa dạng và thường xuyên sử dụng nó. Chính vì vậy, tập huấn định kỳ cho giáo viên về các kiến thức và kỹ năng sử dụng bảng tương tác, khuyến khích họ tăng cường sử dụng công cụ này trong các hoạt động sư phạm, tổ chức các buổi soạn bài chung để chia sẻ kinh nghiệm giữa các giáo viên, bố trí giáo viên trợ giúp IT tại từng đơn vị giảng dạy... sẽ hỗ trợ giáo viên làm quen dễ dàng hơn với việc sử dụng bảng tương tác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét